VITAMIN C NGOÀI TÁC DỤNG NÂNG SỨC ĐỀ KHÁNG CÒN CÓ LỢI ÍCH GÌ ?

 BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp

 Vitamin C có tên hóa học là acid ascorbic, là một vi chất dinh dưỡng quan trọng trong rất nhiều hoạt động hàng ngày của cơ thể. Vitamin C có đặc điểm quan trọng là dễ bị phá hủy bởi quá trình oxy hóa, ánh sáng, nhiệt độ. 

Vai trò của vitamin C 

Vitamin C được biết đến với vai trò đặc trưng như một chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây oxy hóa có hại, giảm tình trạng dị ứng, nâng cao sức để kháng cho cơ thể. Nhiều người không biết vitamin C còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe:

  • Vitamin C tham gia quá trình tổng hợp collagen, một protein cấu trúc của mô liên kết, xương, răng, sụn, da giúp da đẹp, xương chắc răng khỏe và khớp dẻo dai. Collagen hình thành mô sẹo giúp làm lành vết thương nhanh chóng, tăng cường cấu trúc, độ đàn hồi các mao mạch giúp phòng ngừa xuất huyết dưới da.
  •  Vitamin C tham gia vào tổng hợp carnitin là một hợp chất có tác dụng vận chuyển các acid béo vào chu trình chuyển hóa năng lượng bên trong tế bào. 
  • Vitamin C còn tham gia tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh serotonin, norepinephrine và hoạt hóa các hormon giúp hoạt động trí tuệ của cơ thể tốt hơn. 
  • Vitamin C giúp hỗ trợ hấp thu và sử dụng sắt, calci và acid folic thông qua cơ chế giúp các chất khoáng vi lượng giải phóng khỏi dạng dự trữ, bảo vệ các chất này không bị oxy hóa. 
  • Vitamin C có chức năng chống lại dị ứng, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormon steroid. 
  • Vitamin C còn cần cho quá trình chuyển đổi cholesterol thành acid mật nên giúp chuyển hóa các chất độc cho tế bào trong cơ thể

Nhu cầu vitamin C 

Nhu cầu khuyến nghị vitamin C của trẻ em tùy theo từng lứa tuổi cần từ 35 – 100 mg/ngày, người trường thành là 100 mg/ngày, phụ nữ có thai tăng thêm 10 mg/ngày và tăng thêm 45 mg/ngày ở phụ nữ cho con bú. 

Nhu cầu vitamin C cần tăng 50 – 100% ở những người hút thuốc hoặc trong một số trường hợp đặc biệt như: nhiễm trùng, chấn thương, stress… do sự gia tăng sản sinh các gốc tự do.

Biểu hiện khi thiếu vitamin C

Những triệu chứng ban đầu không đặc hiệu nên khó phát hiện như mệt mỏi, thở nông, có những nốt xuất huyết da, chảy máu chân răng, chậm lành vết thương. Chế độ ăn thiếu vitamin C kéo dài có thể dẫn đến mất máu do xuất huyết thành mạch. Người có nguy cơ thiếu vitamin C thường gặp ở những người có chế độ ăn thiếu rau, trái cây, người lớn tuổi, người nghiện rượu. 

Nguồn cung cấp vitamin C 

Vitamin C có nhiều trong rau củ, trái cây tươi. Trái cây chín cây sẽ nhiều vitamin C hơn trái bị chín ép. Trong các loại rau, vitamin C có nhiều trong lá hơn thân. Quá trình chế biến, nấu nướng ở nhiệt độ cao dễ làm hao hụt lượng vitamin C trong thực phẩm. 

Rau củ giàu vitamin C

Trái cây giàu vitamin C

Vitamin C tự nhiên trong rau quả tươi, hiện diện đồng thời cùng các vitamin, enzyme và các vi khoáng chất khác sẽ giúp cơ thể hấp thu và chuyển hóa vitamin C với lượng phù hợp nhu cầu cơ thể nên hiệu quả hơn. 

Việc bổ sung lượng vitamin C tổng hợp liều cao khiến cơ thể không hấp thu hết, liều trên 2.000 mg/ngày có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, sỏi thận. Để tăng cường sức để kháng, có thể bổ sung thêm 100 mg – 200 mg/lần và bổ sung 2 lần/ngày.

CH-20231226-12

Khám phá

Năng lượng Cuộc sống

Bạn đang kiệt sức? Kiến thức sẽ tiếp thêm năng lượng! Cùng tìm hiểu ngay về những dưỡng chất thiên nhiên cần thiết cho nhu cầu nạp năng lượng hàng ngày của bạn.